Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh thoái hóa đĩa đệm

Bệnh thoái hóa đĩa đệm là một vấn đề tiêu biểu xảy ra ở vùng cột sống thắt lưng. Các triệu chứng thường gặp và dễ nhận thấy nhất của căn bệnh này là cảm giác đau và cứng ở cột sống. Tuy rằng xảy ra khá phổ biến nhưng người ta thường hiểu không đúng về nó. Bệnh thoái hóa đĩa đệm thực ra không phải là bệnh. Từ “bệnh” được sử dụng ở đây chỉ để diễn tả những thay đổi bất thường của đĩa đệm cột sống do quá trình già đi theo tuổi tác.

Đĩa đệm là một bộ phận nằm giữa các đốt sống có tính đàn hồi. Đĩa đệm có chức năng ngăn cách các đốt sống không cho chúng trượt lên nhau, hoạt động như một bộ phận giảm xóc của cơ thể và giúp cho cột sống trở nên linh hoạt có khả năng thực hiện các động tác như cúi, xoay, vặn hay nghiêng người. Theo thời gian, các đĩa đệm sẽ dần bị hao mòn và trở nên kém đàn hồi gây ra các vấn đề về cột sống.
Tuy rằng thoái hóa đĩa đệm thường xảy ra ở vùng cột sống thắt lưng nhưng đôi khi nó cũng có thể xảy ra ở vùng cột sống cổ nằm ở phía sau gáy.
Căn bệnh thoái hóa đĩa đệm có thể biểu hiện thành rất nhiều triệu chứng. Triệu chứng phổ biến nhất là đau, cứng và khó chuyển động. Tùy thuộc vào các dây thần kinh bị ảnh hưởng, các cơn đau có thể xảy ra ở lưng, cổ, chân, đầu gối. Trong đa số các trường hợp, bệnh nhân chỉ cảm thấy đau nhẹ nhưng khi các khớp xương di chuyển cơn đau trở nên rất nhói, và dần dần giảm bớt sau khi các khớp xương hoạt động một lúc.
Khi bệnh trở nên nặng hơn, các cơn đau gây ra sẽ ngày càng gay gắt. Nguyên nhân là do các dây thần kinh bị đè nén khi các đĩa đệm mất tính đàn hồi và xẹp xuống làm cho khoảng cách giữa các đốt sống bị thu hẹp, tác động vào các dây thần kinh. Trong trường hợp này, bệnh nhân không chỉ cảm thấy đau mà còn có cảm giác nóng ran lên, tê buốt và suy yếu.
Bệnh nhân có những biểu hiện triệu chứng của thoái hóa cột sống hay phàn nàn về các cơn đau thắt lưng mạn tính cùng với các chu kỳ nhức nhối không liên tục. Giai đoạn này thường kéo dài từ vài ngày cho đến vài tháng. Đau mạn tính trong trường hợp này có rất nhiều dạng, từ đau rất nhẹ cho đến đau vô cùng gay gắt khiến cho lưng không thể di chuyển. Thông thường bệnh nhân chỉ bị đau nặng một thời gian rồi dần dần nhẹ bớt và khỏi hẳn.
Để quá trình hồi phục được diễn ra nhanh chóng, người bệnh cần tránh các động tác như cúi, vặn, nhặt, nâng vật nặng. Nên thực hiện các bài tập sức khỏe như đi bộ, bơi hay chạy vừa thúc đẩy quá trình phục hồi vừa giúp giảm đau, cơ thể thoải mái, dễ chịu. Không nên ngồi hoặc đứng quá lâu, nếu bắt buộc thì cần phải thay đổi tư thế liên tục và tận dụng mọi cơ hội để di chuyển và thực hiện các bài khởi động lưng. Nên nằm nghỉ mỗi khi lưng bị mỏi giúp cho cơ thắt lưng được thả lỏng và thư giãn.
Trong trường hợp bệnh nặng nên cần có sự can thiệp của các chuyên gia bác sĩ. Có thể các bác sĩ sẽ yêu cầu uống thuốc giảm đau nếu cần thiết. Phương pháp điều trị tốt nhất cho trường hợp này là thực hiện các bài tập luyện phục hồi được thiết kế riêng cho từng trường hợp dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Phẫu thuật có thể là một lựa chọn nhưng chỉ nên là giải pháp cuối cùng bởi nó đem lại rất nhiều rủi ro.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2014 All Right Reserved
Designed by