Rất nhiều người đau vùng vai-cổ sau khi chụp Xquang cột sống cổ “bị” qui kết là thoái hóa cột sống cổ hay gai cột sống cổ. Điều trị với chẩn đoán như vậy một thời gian dài với nhiều bác sĩ  nhưng vẫn không dứt hẳn làm nhiều người bệnh lo lắng đến mất ngủ. Trong tâm trí nhiều người, thoái hóa cột sống là một căn bệnh dai dẳng khó chịu không có thuốc chữa.
 

THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ LÀ GÌ ?
Cơ thể con người tất yếu phải tiến đến sự lão hóa, trong y khoa còn gọi là sự thoái hóa. Vì thế thoái hóa cột sống cổ cũng như thoái hoá cột sống thắt lưng là một tất yếu của cơ thể. Nó được xem là một rối loạn trong sinh lý hơn là một chứng bệnh. Sự lão hoá làm biên dạng các đĩa dệm giữa các đốt sống và hình dạng của các đốt sống.
Một số bệnh nhân trẻ hơn bị thoái hóa cột sống cổ do những nguyên nhân khác gây biến đổi cấu trúc chịu lực của cột sống cổ như chấn thương (gãy xương, trật khớp, rách dây chằng) hay bệnh thấp khớp, viêm dính khớp…
Những triệu chứng lâm sàng của thoaí hóa cột sống cổ thường nghèo nàn, và mơ hồ như nhức mỏi vùng vai-cổ, thỉnh thoảng đau mỏi vùng gáy, xoay cổ nghe tiếng lạo xạo, lụp cụp. Thỉnh thoảng bệnh nhân ngủ dây có những cơn đau cứng cổ không xoay cổ được.
Người ta xác định thoái hoá cột sống cổ chủ yếu bằng X quang chứ ít khi  dựa vào triệu chứng lâm sàng.  Trên phim cột sống cổ, người ta có thể thấy được những hình ảnh như khe khớp giữa hai đốt sống bị hẹp lạ do các đĩa đệm bị xẹp. Thân đốt sống không còn hình chữ nhật nữa mà bị lõm các cạnh tạo ra các gai nhọn ở các góc. Để dễ hiểu người ta gọi đó là các gai xương. Nguyên nhân là khi lớn tuổi, tình trạng loãng xương sẽ làm các đốt sống bị xốp, tính chịu lực kém đi. Dưới tác động của các lực đè ép trong các tư thế làm việc và sinh hoạt, các đốt sống sẽ bị biến dạng dần dần theo thời gian ngày một nhiều hơn. So với cột sống cổ, thoái hóa cột sống thắt lưng thường nặng hơn vì nó chịu lực đè ép nhìều hơn.
 

 Ngoài ra còn có thể thấy trục cột sống bị vẹo sang bên hay bị gù so với đường cong sinh lý bình thường, Lỗ sống bị hẹp nhỏ lại.
Có rất nhiều người chụp Xquang thấy hình ảnh THCS cổ rất điển hình nhưng không hề có triệu chứng gì cả. Khi đau nhức rõ ràng và kéo dài  tức là   nó đã có biến chứng chèn ép tủy sống, hay là các rễ thần kinh cổ.
HỘI CHỨNG CHÈN ÉP TUỶ CỔ
Những dấu hiệu của chèn ép tủy cổ thể hiện khác nhau tùy theo sợi thần kinh nào bị chèn ép. Có thể phân biệt thành hai nhóm chính cảm giác và vận động.
  • Cảm giác: bao gồm tê và đau nhức. Dấu hiệu gợi ý nhiều nhất là tê dài từ vùng vai cổ lan xuống bàn tay, ngón tay. Tê từng cơn trong ngày. Nặng hơn thì sẽ tê thường xuyên suốt cả ngày. Tê thường xuất hiện nhiều vào tối ngủ hay sáng vừa thức dậy.
  • Vận động: như là yếu, liệt cơ chi trên làm yếu tay, hiếm khi ảnh hưởng đến chân (phần chi dưới thường do các rễ vận động từ cột sống thắt lưng chi phối)
  • Các triệu chứng khác: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, cứng gáy thì ít gặp hơn
  • Khám có thể thấy thêm những triệu chứng khác như cúi gập cổ gây tê tay hay đau nhức lan xuống bàn tay. Ấn đau  mỏm gai hay cạnh các đốt sống. Có khi động tác ấn này còn tạo ra cơn đau hay tê chạy dài dọc theo cánh tay của người bệnh. Những dấu hiệu này rất có giá trị chẩn đoán.
  • Đau vùng vai cổ có thể nhầm lẫn với  bệnh lý của khớp vai.  Nhức đầu cứng cổ cứng gáy có thể do viêm xoang  hay cao huyết áp gây nhầm lẫn. Triệu chứng tê tay có lúc do hộc chứng ống cổ tay chèn ép thần kinh giữa. Vì thế người ta phải dùng thêm các phương tiện cận lâm sàng khác như đo điện cơ EMG, hay chụp cắt lớp cộng hưởng từ MRI để phân biệt và xác định.

Thoái hóa cột sống cổ chí là một trong  nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng chèn ép tủy cổ như hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm, u bướu, gãy xương, trượt đốt sống, mất vững cột sống do rách dây chằng…. Sự nhầm lẫn có thể tạo ra những lo lắng không đáng có cho nhiều người bệnh.
ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ.
Thoái hóa cột sống cổ không có triệu chứng thì chỉ cần các biện pháp ngăn ngừa sự lão hóa như
  • Các loại thực phẩm chức năng như Glucosamin hoặc thuốc chống thoái hóa khớp xương như Diacerin.
  • Các chương trình thể dục dưỡng sinh giúp tăng cường sự dẻo dai của các dây chằng, gân cơ và khớp xương,
  • Các bài tập vật lý trị liệu kéo dãn cột sống.
  • Chống loãng xương bằng dinh dưỡng và vận động phù hợp.Nếu loãng xương nặng thì sử dụng thêm các loại thuốc chữa loãng xương
Thoái hóa cột sống có triệu chứng của hội chứng chèn ép rễ thần kinh cổ (tủy sống):
Nguyên tắc điều trị là giải quyết sự chèn ép song song với điều trị các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh.
Người ta có thể phối hợp nhiều loại thuốc trong điều trị nội khoa như thuốc kháng viêm NSAIDl, các loại thuốc dãn cơ, thuốc giảm đau, thuốc hướng thần kinh như Mecobalamin
 

Bên cạnh điều trị nội khoa có thể phải đặt thêm nẹp cổ để giúp hạn chế bớt lực đè ép lên rễ thần kinh cổ. Nếu điều trị này không hiệu quả, diễn tiến bệnh ngày càng nặng hơn  thì  phẫu thuật giải ép, thay đĩa đệm, cố định nẹp vis sẽ được cân nhắc chỉ định cho người bệnh.